Ngày 1.
Hôm nay, 29/1/2024.
Ngày mà tôi bắt đầu liệu trình tự chữa lành những tổn thương tâm lí của mình sau một vấn đề bản thân thật sự chưa từng ngờ tới. Mọi chuyện diễn ra thật nhanh, giống như một cú nổ bigbang kinh hoàng, đã quá tải rất nhiều so với sức chịu đựng này của tôi. Và rồi tôi từ một con người luôn sống tích cực, lại bất ngờ trở thành bệnh nhân của chứng trầm cảm. Cầm chẩn đoán rõ ràng trên tay, dù biết mình có thể vô thức tự kết liễu mình đi nữa, thứ mà tôi lo sợ duy nhất là một cái chết vô nghĩa diễn ra.
Bác sĩ nói, những tổn thương tâm lí từ nhỏ của tôi đã được đổ đầy cả rồi, chuyện vừa mới diễn ra cuối cùng lại là giọt nước tràn li. Tôi đã bị cái vỏ bọc của một con người hướng ngoại tích cực vô cùng tự tin, vô cùng mạnh mẽ bảo vệ đến mức cứ nghĩ là mình thật sự rất ổn. Hóa ra từng ngày từng ngày chầm chậm trôi, đến hôm nay thì tôi đã chính thức bước vào giữa cột mốc "nghiêm trọng" của bệnh trầm cảm mất rồi.
Thật ra,
Ban đầu nhận lấy kết quả đó trong tay tôi nghĩ mình sẽ ôm hận và căm ghét những kẻ vu khống đó lắm. Đến khi bước vào ngày đầu tiên của liệu trình chữa trị tâm lí này, bác sĩ nói tôi đừng quan tâm đến họ, tôi chỉ cần tiếp tục viết truyện, cần tiếp tục duy trì công việc mà tôi yêu thích, nhưng hãy thay đổi nó bằng việc tự kể về bản thân mình. Đó là cách duy nhất để tôi không trốn chạy khỏi quá khứ đau lòng, không giả vờ tự tin, không giả vờ mạnh mẽ mà phải thật can đảm tự đối diện với những chuyện đã từng xảy ra. Cách duy nhất để tôi nhẹ lòng là tự tìm về những tháng ngày đau đớn nhất, tìm lại một đứa trẻ đã can đảm trưởng thành trước những sóng gió kia.
Nhìn thấy bản thân đã vượt lên chính mình ra sao?
…
Tầm hai mươi phút đầu khi tập làm quen với những âm thanh sóng não. Đây là những dòng chữ mở đầu cho phần tự truyện của tôi, tôi sửa đi sửa lại đến lần thứ sáu.
Nhưng có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng mà tôi lặp đi lặp lại việc chỉnh sửa vô nghĩa này dành cho một phần cuộc đời của mình. Thay vào đó, tôi nghĩ mình nên làm những chuyện có thể thay đổi tương lai.
Hoặc ít nhất, tôi sẽ biến tương lai của mình thành bao ngày sống đúng nghĩa là "sống". Còn những chuyện đã từng diễn ra nơi vùng quá khứ của tôi, tôi muốn lưu giữ lại như một đoạn đường để nhớ. Muốn trải lòng một cách thành thật, bằng những chuyện mà tôi đã phải trải qua. Nhưng ở đây không phải thở than, không phải kể lể, không phải đang cố tình đem nguồn năng lượng tiêu cực đến cho mọi người, càng không phải mong muốn sẽ có ai đó thương hại.
Câu chuyện của tôi, tôi chỉ muốn mọi người đọc và cảm nhận, đọc và hiểu thêm, đọc và biết rằng một người giống như tôi… đã từng là một đứa trẻ con thế nào?
Vậy thôi!
…
Chuyện của tôi có lẽ nên bắt đầu từ chuyện của mẹ thì sẽ trôi chảy và hợp lí hơn với những cảm xúc bộn bề ngổn ngang lúc này. Tôi được sống với mẹ từ nhỏ, không có ba.
Tôi không có ba, bởi vì tình cảm của ông ấy dành cho mẹ tôi chưa thể thắng được tự trọng, bởi vì sự trắc ẩn và tốt đẹp của nhân tính bên trong ông ấy chỉ là cỏ dại, mà không phải loại cỏ dại nào cũng sẽ nở hoa.
Tôi không có ba, bởi vì lương tâm của ông ấy suy cho cùng cũng không thể nào chống lại sự xô đẩy của dòng đời. Có lẽ bởi vì đời nghiệt ngã nên ông ấy mới trở thành một người thiếu đi chút lương tâm.
Tuy là vậy, tôi không trách vì ông ấy bỏ rơi mình. Tôi chỉ trách vì ông ấy bỏ quên mình. Bỏ quên kết quả của một cuộc hoan ái, bỏ quên đi hai chữ trách nhiệm khi bản thân có một gia đình mới, bỏ quên mất sinh linh bé nhỏ mà ông ấy từng muốn phá bỏ đi khi nó còn chưa thành hình.
Đáng buồn thay, tôi là một đứa trẻ không được sinh ra từ tình yêu và hôn nhân. Tôi chỉ là kết quả của phút nông nổi, của những dự định chưa từng được suy nghĩ sâu xa, của một kẻ chưa hề sẵn sàng làm ba và một người xem chuyện nuôi một đứa con đơn giản như chuyện nuôi một con chó.
Thật đấy, tất cả những mở đầu mà tôi vừa kể là sự thật đã lớn dần theo suy nghĩ của tôi. Nếu như ở thời điểm bản thân chỉ là một đứa trẻ con, tôi cũng đã từng trách ba nhiều. Khi đang vào cái độ thiếu niên, tôi biết thêm một chút thì lại trách mẹ. To xác như bây giờ, tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ ẩn mình trong cái số tuổi đã ngoài ba mươi, nhưng tôi chẳng còn tha thiết gì việc trách giận hai người họ thêm nữa.
Tôi chỉ tự trách bản thân mình…
Không phải tự nhiên tôi lại nhớ đến một câu nói vô cùng trôi chảy mà mẹ thường hay lặp đi lặp lại khi kể về quyết định sinh tôi ra. Nhưng có lẽ càng trưởng thành hơn, càng trải nhiều hơn tôi mới hiểu rằng câu nói đó với mình là sự đả kích. Tôi tổn thương quá nhiều để có thể quên đi cái ngữ điệu vô cùng hiển nhiên mà mẹ đã nói vào những lần đó, tôi đau lòng quá nhiều để có thể quên đi sự sát thương của lời nói đó, về quyết định cho sự xuất hiện của tôi trong cuộc đời này.
Tôi nhớ mãi đến mức gõ ra từng dòng chữ vào hiện tại, tâm trí tôi cũng có thể hình dung ra nụ cười và giọng nói của mẹ tôi trong những lần lặp lại không đáng có đó:
"Chị nuôi mấy con chó rồi mà được một thời gian thì nó cũng chết thôi! Người ta nói với chị là lớn tuổi rồi sao không kiếm đại đứa con nuôi đi! Năm đó chị ba mươi bảy tuổi… người ta nói là tuổi xui đó, nên chị quyết định có bầu luôn! Thôi kệ, tranh thủ kiếm đứa con nuôi cho vui chứ để mai mốt hết kinh không đẻ được!"
Có lẽ suy nghĩ này của mẹ không sai.
Nhưng cái cách mà mẹ nuôi tôi cùng với suy nghĩ không thay đổi ấy đã sai mất rồi. Chuyện nuôi một đứa con không đơn giản như là nuôi vài con chó. Tôi đã ở cùng mẹ suốt hơn mười tám năm dài, giờ thì con số đó đã được nhân đôi, nhưng mà tôi vẫn chưa hiểu mẹ.
Không thể hiểu.
Không thể nào hiểu.
Ngày đó, trước khi được nghe kể về những lí do tôi đã ý thức được không gian sống của mình khác hẳn với những đứa bạn trong xóm vào năm ba tuổi. Lần đó qua nhà thằng nhóc kế bên chơi, tôi thấy nó đi nặng trong một căn phòng nho nhỏ, có bồn cầu và khi đi xong nếu dùng nước dội số chất thải nặng mùi sẽ trôi đi hết.
Thế nhưng nơi được gọi là "nhà" mà tôi và mẹ cùng sống lại chẳng như vậy. Chúng tôi không có những chiếc vòi thần kì có thể xả nước mỗi lần vặn nhẹ, chúng tôi sử dụng nước trong những chiếc thùng cỡ to, số nước sạch phải mua đều đặn mỗi ngày để phục vụ cho sinh hoạt cá nhân. Nhà vệ sinh tồi tàn của mẹ con tôi được che chắn bằng bốn tấm tôn lớn, bên trong đó là chiếc bô nhỏ được bọc bằng túi nilon, sau khi giải quyết xong nhu cầu cần thiết, mẹ dạy tôi cột nó thật chặt, bọc trong nhiều lớp bọc khác nhau sau đó vứt cẩn thận bên trong thùng rác.
Có những ngày thậm chí đến túi nilon cũng hết, mẹ sẽ hỏi đi nhờ toilet của nhà hàng xóm. Nhưng mỗi lần đến lượt của tôi, tôi cảm thấy xấu hổ muốn mẹ hỏi giúp, mẹ lại trở nên thật cáu gắt và cho rằng tôi vô dụng.
"Mày có cái miệng để làm gì? Mày có miệng ăn mà không có miệng nói hả?"
Những câu hỏi vô cớ đến vậy, có lẽ mẹ cảm thấy sẽ chẳng hề gì đúng không? Có lẽ đến hiện tại mẹ cũng quên rồi, vậy mà gấp mười lần số tuổi của tôi khi đó, tôi vẫn còn nhớ mãi. Tôi đã mang theo nó cùng với những tổn thương trong lòng mình đến tận bây giờ. Những câu nói tưởng chừng như chẳng có gì quá đáng, hay là tôi quá đáng vì chỉ như vậy cũng cảm thấy đau lòng rồi?
Có lẽ tôi thật sự vô dụng.
Vô dụng vì chỉ có thể che giấu những cảm xúc đau đớn tột cùng bằng cái vẻ ngoài mạnh mẽ tích cực mà thôi. Vô dụng vì lắm lúc muốn hỏi lại mẹ một câu thật lòng, muốn hỏi xem:
"Con có mẹ là để làm gì?"
Nhưng mà thời điểm đó tôi không có đủ cứng rắn giống như bây giờ, tôi chỉ là một đứa trẻ con vô tư vô ưu, tôi sợ mẹ mắng.
Không phải sợ mẹ mắng chỉ vì bản thân đau lòng với những lời lẽ đầy tàn nhẫn đó của mẹ. Tôi sợ mẹ mắng… vì tôi nghĩ rằng mẹ đã rất thất vọng vì tôi nên mới có thể nói ra những lời như vậy. Tôi không có can đảm hỏi mẹ câu đó, vì bản thân thương mẹ rất nhiều.
Tôi sợ rằng những lời vô tình của mình sẽ khiến cho mẹ tổn thương.
Nhưng lại quên mất đi những lần tổn thương của mình chỉ vì vài ba câu nói chẳng hề suy nghĩ của mẹ.
…
Nhận xét của độc giả (Dành cho thành viên đã đăng ký tài khoản)