Chương 1
“Quyền quý, lợi danh tựa cánh hoa mỏng manh.
Một cơn gió vô tình làm hoa kia xa cành…
Hạnh phúc đời con là Chúa luôn ở cùng.
Là phúc vinh thiên đàng muôn đời bất tận”[1]
Tôi luyến tiếc tắt đi bản Thánh ca quen thuộc mà mình đang nghe, rồi sau đó quay lại dắt chiếc Wave cũ ra khỏi cánh cửa chật hẹp của căn phòng trọ. Mọi thao tác lặp lại đều đặn giống như bao ngày, nhưng hôm nay tôi chợt cảm thấy chiếc xe nặng hơn rất nhiều, nặng nề tựa như cái tâm trạng chán chường của tôi trong mấy ngày qua, kể từ lúc dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Nếu như tình hình dịch bệnh không trở nên căng thẳng hơn, việc sản xuất không bị đình trệ dẫn đến thất nghiệp triền miên thì có lẽ tôi vẫn còn tin là: “Làm công nhân cũng có thể ổn định được đến lúc bốn năm chục tuổi”.
Ngày trước khi mới ra trường, tôi ôm tâm trạng hớn hở bước vào đời với tấm bằng Trung cấp trên tay, nghĩ rằng con đường phía trước sẽ có rất nhiều cánh cửa rộng mở với mình. Thật ra tôi nghĩ vậy cũng chẳng sai đâu, vì ở thời điểm đó trong đám bạn học của tôi có những đứa thậm chí còn chẳng có nổi cái bằng cấp Ba, vậy nhưng may mắn lại đẩy nhẹ tụi nó vào những công ty có chế độ tốt, làm việc một hai năm đã lên tổ trưởng. Tôi thì thừa tự tin, dư thẳng thắn nên cuộc đời phũ phàng quật cho vài cú lên bờ xuống ruộng. Năm tôi tròn hai mươi bảy tuổi, nội chỉ trong một tháng phải nhận lấy hai cú sốc tưởng chừng không thể đứng dậy, cú sốc đầu tiên là bị cắt hợp đồng ngay tại công ty mà tôi đã dốc toàn tâm toàn lực cống hiến hết mình suốt sáu nằm dài. Tôi ngậm ngùi nhận giấy sai thải sau khi chỉ trích cái sai của một cấp trên trước mặt đồng nghiệp, sự bốc đồng đi kèm với việc tự tin quá mức của tôi đã tự hại chính bản thân. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng mình đã kí hợp đồng vô thời hạn rồi thì không có lí do gì mà họ đuổi việc tôi được, vậy mà cuối cùng vẫn phải cuốn gói ra khỏi cái nơi đã bỏ biết bao công sức vun trồng. Sáu năm dài bị phủi nhẹ tênh, tâm trạng của tôi khi đó cứ như một cây bèo nhỏ bị gió lướt qua làm cho chao đảo, dù luyến tiếc chẳng muốn rời khỏi cái nơi đã từng gắn bó bấy lâu, nhưng kết cục vẫn phải chấp nhận số phận của mình, phải tự lực chống chọi với những con sóng to nhỏ trên dòng sông cuộc đời ấy. Có những khởi đầu cô đơn và vô vọng đến mức khiến tôi không còn đủ tự tin nữa, tôi gần như phó mặc tất cả vào một chữ “duyên” duy nhất, để cho gió đẩy nước cuốn mình đi đâu thì đi. Nhưng cuộc sống công nhân khắc nghiệt hơn là tôi tưởng rất nhiều, nếu không khôn khéo đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị đào thải thêm một lần nữa. Một người có ước mơ khẳng định bản thân thì không thể nào bất lực đứng nhìn đám bạn bỏ xa mình được, tôi vực dậy tìm kiếm một công ty mới với hi vọng mình có thể thăng tiến, lúc đó tôi đã tự nói với lòng rằng: “Hoa còn có thể mọc trên đá thì không điều gì cản được sự cố gắng của con người”.
Trớ trêu thay, ngày tôi hớn hở báo tin mình đã tìm được công ty mới cũng là ngày mà mối tình đầu chọn rời bỏ tôi. Với tôi, cậu ấy đã từng là một người vô cùng đặc biệt, ngày cậu ấy bỏ rơi tôi lại giữa đoạn đường yêu đương này cũng đặc biệt lắm. Cậu ấy chỉ nói lời chia tay và không cho tôi thêm một câu giải thích nào. Chẳng mấy ngày sau đó, cậu ấy đăng hình ảnh hẹn hò với người yêu mới là một chàng trai Italia, cậu ta là Thạc sĩ trong ngành Kinh doanh, có ngoại hình có điều kiện và gia cảnh chắc chắn sẽ tốt hơn tôi. Lăn lộn giữa những cơn đau dài, tôi nhận ra cậu ấy là mây, cậu ta là gió còn tôi thì chỉ là ngọn cỏ ven đường mà thôi. Có lẽ cũng vì vậy nên mười hai năm bên nhau lại trở thành con số “không” chỉ sau một tháng. “Tình” và “Tiền” vốn là hai kẻ xa lạ, tôi chưa từng nghĩ có một đoạn thời gian tụi nó kết bạn với nhau rồi giày vò tôi đến mức sức cùng lực cạn, vậy nên tôi cũng chẳng chuẩn bị gì trước cho nỗi đau đớn nhân hai này cả.
Năm năm trôi qua, chỉ có sự bận rộn trong công việc mới khiến cho tôi tạm quên đi vết thương lòng mà thôi. Thời điểm đó, KSM-66 là công ty mơ ước của rất nhiều người, quy trình phỏng vấn ở đây và tiêu chí chọn công nhân đều thuộc dạng khó. Tôi phải trải qua cuộc phỏng vấn thuyết phục Giám đốc sản xuất mới giành được một vị trí công nhân, sau sáu tháng đào tạo tôi được chuyển vào làm việc ở kho nguyên vật liệu và may mắn nhận được sự tín nhiệm của các quản lí. Thời gian qua, công việc và con người ở đây đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi, dần dà tôi cũng quên luôn cái mục đích tìm nơi thăng tiến ban đầu của mình, tôi chỉ tập trung cống hiến toàn bộ sức trẻ vào năng suất và chất lượng của công việc. Cũng chẳng nhớ ngay từ ban đầu ai đã rỉ tai tôi rằng:
“Công ty này sản xuất dụng cụ y tế, sản xuất ống thông mạch máu và rất nhiều những thiết bị y tế khác trực tiếp can thiệp vào mạng sống của con người. Nếu đã bước chân vào làm việc ở đây nghĩa là mỗi công việc của bạn đều mang một nghĩa cử cao đẹp! Vậy nên bạn đừng bao giờ thấy chán nản khi gặp việc khó, hãy cố gắng hết mình vì mỗi sản phẩm mà bạn làm ra đều góp phần cứu một mạng người!”
Những năm qua, tôi được học rất nhiều bài học tích cực về thái độ của bản thân đối với công việc, tôi nhận ra giá trị của mình ở vị trí một công nhân, trải qua nhiều chuyện mới có thể lấy lại phong độ và sự tự tin như ngày đầu mới ra trường. Vậy nên đứng trước cái nguy cơ hôm nay sẽ là ngày làm việc cuối cùng tại KSM-66, tâm trạng của tôi đột nhiên chùng xuống như bị hàng trăm tấn đá đè lên, tôi thấy tiếng thở dài của mình nặng nề cảm giác mất mát, thấy cái bầu không khí nhộn nhịp xe cộ tới lui làm cho tâm tư rối bời.
Giờ cao điểm ở đây đường sá đông đúc vô cùng, tôi chật vật ghì chặt tay lái vượt qua mấy chiếc xe tải và công-tơ-nơ nối dài dọc theo Quốc lộ. Tiếng còi xe, mùi khói bụi khiến tôi càng thêm căng thẳng, đầu óc nặng nề, hai bên thái dương như có bàn tay vô hình nào đó bóp chặt. Hơi nóng từ động cơ của các phương tiện di chuyển xung quanh phả ra rồi hắt vào người, chỉ mới bảy giờ sáng mà tôi có cảm giác mình như sắp bị vắt kiệt sức đến nơi. Tôi gồng cả hai tay cố vượt qua khỏi đoạn Quốc lộ đó rồi rẽ sang trái để vào trong khu công nghiệp, may mắn thay công tác xanh hoá bên trong khu công nghiệp này trước giờ vẫn luôn được chú trọng đến, tôi vừa mới lái xe di chuyển vào đó chỉ một đoạn nhỏ đã cảm nhận được không khí trong lành khác biệt hoàn toàn so với sự ngột ngạt bị bỏ lại ở sau lưng.
Mỗi ngày đi làm, vì để tiết kiệm chi phí sinh hoạt nên tôi thường không ăn sáng mà sẽ chạy thẳng đến công ty luôn, trong công ty vào mỗi buổi sáng đều có phát sữa và bánh miễn phí cho những công nhân đến sớm. Điều này được đề xuất như một hình thức khuyến khích công nhân hạn chế đến trễ, chẳng mấy năm sau khi triển khai thì được rất đông công nhân ủng hộ, các phần sữa và bánh ăn sáng cũng được nhân lên gấp đôi, gấp ba. Hôm nay theo thường lệ thì tôi cũng tới nhà ăn để chờ nhận phần ăn sáng giống như những công nhân khác, chỉ có điều khi cánh cửa ngăn mùi được tôi mở ra, bầu không khí bàn tán căng thẳng ở bên trong đó khác hẳn với sự vui vẻ hứng khởi mỗi ngày mà tôi hay được nhìn thấy.
Ở góc bên phải, vài bạn công nhân không ngồi mà đứng tụm lại với nhau, một bạn nữ đứng dựa cạnh bàn, khoanh tay trước ngực, nhíu mày tỏ vẻ khó chịu: “Sao kì vậy trời? Cắt phần ăn sáng phải nhắn thông báo sớm cho người ta biết mà chuẩn bị chứ? Đợi công nhân để bụng đói tới đây rồi mới thông báo! Làm ăn gì kì cục quá!”
Nghe vậy, người đứng đối diện với cô ấy vội miệng chen vào: “Thật chứ! Không ngờ công ty cũng có ngày này luôn đó! Vậy có khi cái tin chiều nay giải thể cũng đúng rồi đó! Bữa nay đình công luôn đi, làm ăn gì nữa! Làm cho đã trưa nay có khi không có cơm ăn luôn đó!”
“Nói vụ giải thể mới nhớ, hôm qua tao trực tắt đèn hành lang, lúc đi ngang qua phòng ông Tổng tao thấy bàn làm việc của ổng dọn sạch sẽ rồi đó!” Ở bàn bên cạnh, một người quay sang nói lớn, thông tin này càng làm cho nhóm các công nhân nữ xôn xao dữ dội.
Vì tính chất đặc thù của công việc nên môi trường làm việc ở đây không có quá nhiều công nhân nam, ngoài bộ phận kho ra thì các bạn nam ngồi trong nhà ăn hiện tại đa phần đều là nhân viên. Tôi vừa mới mở cửa bước vào đã bị thu hút bởi sự ồn ào, lời tiếp lời vang lên liên tục. Mấy bạn nam ngồi gần cửa sổ đang uống cà phê thỉnh thoảng cũng chịu khó chen vài câu, chủ yếu là quan tâm đến các bạn nữ.
“Trong tủ tôi còn vài lóc sữa nè, mấy bạn nào không mang đồ ăn thì qua lấy uống thoải mái nha! Dịch bệnh đang bùng lên, không xuất được hàng nên có nhiều vấn đề xảy ra, chị em cố gắng vượt qua thời gian này đi!”
“Tủ của tao còn nhiều mì ly, giờ còn sớm đứa nào muốn ăn thì tranh thủ ra lấy nước sôi đi! Tao cho hết đó, ngày mai công ty mà giải thế thì tao cũng đỡ phải mang về!”
Tôi nghe giọng của Giao Tiên hồ hởi vang lên từ cuối nhà ăn, tay xách nách ôm một mớ mì ly bày ra trên bàn. Thấy vậy tôi nhanh chóng di chuyển tới gần để phụ một tay, cũng là tiện thể lấy thêm mì trong tủ của mình bày ra để các bạn công nhân khác tới chọn. Giao Tiên là đàn em của tôi, vừa mới vào kho làm được hơn một tháng. Nói thật lòng thì nó là người đầu tiên mà tôi được giao trách nhiệm đào tạo sau hơn năm năm làm việc tại KSM-66. Dựa vào những tiếp xúc ban đầu, tôi thấy Tiên là đứa rất nhiệt tình với công việc, học việc khá nhanh và cũng có khá nhiều kinh nghiệm trong việc quản lí vật tư. Hoặc có thể bởi vì Giao Tiên cũng là một phần nhỏ thuộc cộng đồng LGBT như tôi, nên ngay từ ban đầu tôi đã có nhiều thiện cảm dành riêng cho em ấy rồi.
Cái tin công ty lâm vào cảnh khó khăn vừa rồi, tôi vốn cũng đã nghe và kể với Tiên mấy ngày vừa qua. Đó chính là lí do khiến cho sáng hôm nay tâm trạng của tôi trở nên tệ hơn mọi ngày rất nhiều, nửa năm qua vốn dĩ công ty đã rơi vào tình trạng khó khăn, quá nhiều thứ bất cập xảy ra trong quá trình sản xuất khiến cho lịch xuất hàng liên tục trì trệ, thành phẩm hư lỗi nhiều, máy móc cải tiến không có hiệu quả. Một phần khác do phải sản xuất bù hàng đã bị khiếu nại, doanh thu của sáu tháng gần đây hầu như tuột dốc không phanh. Đã vậy dịch bệnh còn bùng phát mạnh trong khu công nghiệp, nguyên vật liệu đầu vào bị nghi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm nên phải huỷ bỏ một số lượng lớn. Công nhân trong xưởng không có nguyên liệu để làm, cả tháng nay trong giờ làm chỉ có thể phân công những chuyện lặt vặt, cắt giảm tăng ca đến mức triệt để. Không nghĩ thì thôi, nghĩ tới cái viễn cảnh ngôi nhà thứ hai của mình sắp sụp đổ ngay trước mắt, bàn tay tôi vô thức siết lại như muốn níu giữ những kí ức đã gắn bó suốt bao năm qua. Đối với người ta, nơi này chỉ là nơi đến để đổi sức lao động kiếm tiền, còn đối với riêng tôi, nơi này sớm đã là một chiếc hộp nhỏ cất giữ rất nhiều kỉ niệm, vì vậy lòng không nỡ rời đi một chút nào cả.
“Ước gì tất cả chỉ là tin đồn thôi ha!”
Tôi ngước lên nói với Giao Tiên, nhóc con đó vừa cạy nắp một ly mì vừa trề môi nhắc lại chuyện cũ: “Em nói rồi, vía em nặng lắm… Đi công ty nào là công ty đó giải thể mà anh không tin! Giờ anh tin chưa? Anh còn nói là anh giải vía cho em đó hả? Giải kiểu gì mà giờ hai anh em mình sắp thất nghiệp hết trơn rồi nè!”
“Ai nói thất nghiệp hết trơn đâu? Nghe nói… An mà chịu là chị Thuý giới thiệu công ty mới liền!”
Tôi nhích người sang một bên, tới gần đứng cạnh Tiên để cho một nhân vật quen thuộc khác chen vào giữa cuộc nói chuyện của mình. Cậu ấy là Du, Tổ trưởng của tôi. Du cũng giống như Tiên, giới tính sinh học là nữ nhưng lại có cảm xúc với người cùng giới và hình như cả hai người đó đều không thấy thoải mái với cơ thể sinh học cho lắm. Nếu như Tiên đã sớm bộc lộ tính hướng của mình qua vẻ bề ngoài, nó cắt tóc ngắn và ăn mặc theo hướng nam tính một chút thì Du lại vướng phải sự bảo thủ từ phía gia đình, đã qua nhiều năm lén lút hò hẹn với người cùng giới nhưng lại không có can đảm để công khai chuyện này với những người thân.
Nhắc đến vấn đề LGBT tôi lại cảm thấy tiếc nuối công ty này thêm một chút nữa. Trước khi được nhận vào làm việc chính thức ở đây, tôi đã từng trải nghiệm công việc thời vụ ở nhiều công ty khác trong địa bàn, có nhiều công ty khi tuyển dụng đã thẳng thừng từ chối những bạn nữ có phong cách tomboy giống Tiên, một số nơi khác dù các bạn được nhận vào làm nhưng cũng bị chỉ định vào những công việc nặng nhọc, bị chèn ép mất đi một số quyền lợi nhất định của công nhân nữ.
Bởi vậy tôi mới nói, KSM-66 là công ty mơ ước của rất nhiều người. Mấy năm trước khi doanh thu vượt mức chỉ tiêu, có những đợt công nhân sản xuất được thưởng nóng lên tới vài triệu đồng, mỗi năm hai lần, mỗi lần cách nhau sáu tháng. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng của công ty cũng được chú trọng đặc biệt, mỗi khẩu phần ăn có hai món mặn, một món xào, một món canh và luôn có tráng miệng là các thương hiệu dinh dưỡng uy tín. Đời sống công nhân ở KSM-66 luôn được quan tâm chú trọng, nhất là chế độ thai sản, chế độ nuôi con nhỏ, hay thậm chí là chế độ hỗ trợ công nhân học lên Cao đẳng, Đại học. Mấy tháng nay nghe phong thanh về tình hình lợi nhuận của công ty hiện đang lao dốc, trong lòng tôi luôn suy nghĩ đến kết cục không hề đáng mong đợi này. Tôi cứ nghĩ nếu công ty buộc phải đưa ra quyết định giải thể sẽ có rất nhiều người cũng thấy luyến tiếc như tôi. Vậy mà chỉ vừa mới mất đi bữa sáng, một số người đã lớn tiếng lôi kéo nhau gây mất trật tự, ồn ào nối tiếp ồn ào, căn phòng ăn quen thuộc mọi ngày giờ chẳng khác cái chợ là mấy.
“Ê mấy bà! Tôi vừa ra ngoài xem thử, thấy ở trên văn phòng không có ai hết, phòng của ông Tổng đúng là đã được dọn dẹp sạch rồi! Mấy bà đi theo tôi ra xem thử đi, nếu đúng là giải thể thì chắc hôm nay mấy đứa nhân viên văn phòng không đi làm đâu!”
Lúc tôi ngước lên nhìn, thấy ngoài cửa có một bạn nữ lớn giọng thông báo, người bên trong phòng ăn lần lượt đứng dậy, vừa bàn tán ồn ào với nhau vừa kéo nhau đi theo người đó ra ngoài hành lang.
“Sư phụ! Đi hóng chuyện không?” Giao Tiên đụng nhẹ vào bắp tay của tôi một cái, mắt nó dán chặt vào đám người vừa tức giận vừa chán nản mạnh tay kéo bàn, đẩy ghế.
“Du! Du ra ngoài xem thử đi…”
Tôi quay sang nói với Tổ trưởng như vậy, dù là ngày cuối cùng làm việc ở đây thì vẫn muốn dành sự tôn trọng đó cho người có trách nhiệm quản lí. Giao Tiên thấy tôi đề nghị như vậy nên cái dáng vẻ ngập ngừng muốn đi của nó cũng vội ngưng lại, nó quay sang nhìn tôi mà chẳng nói gì. Đợi Du chủ động đi trước, cách xa chúng tôi một đoạn nó mới nhỏ giọng hỏi:
“Ủa anh! Sao anh không ra xem?”
“Làm ở đây thị phi dữ lắm, mấy chuyện như thế này tốt nhất không nên hóng hớt! Nếu thật sự công ty giải thể thì sớm hay muộn cũng sẽ có thông báo thôi! Mình ra ngoài hóng hớt không đúng trách nhiệm, lỡ như tin đồn không có thật thì lúc truy cứu lại bị quy vào chống đối nội quy!”
Hơn năm năm làm việc ở đây, chưa chuyện gì mà tôi chưa từng trải qua, cũng không ít lần bản thân trải nghiệm tin đồn thất thiệt. Lúc còn là công nhân mới như Tiên, tôi đã từng để sự tò mò đẩy mình vào cảnh khó xử, thế nhưng cũng nhờ chị Thuý giải vây bao lần, từ đó tôi tự rút ra nhiều kinh nghiệm nhắc nhở mình hơn.
“Anh nói nghe nghiêm trọng quá đó…” Tiên nhún vai nhìn tôi, trông biểu cảm của nó chắc không tin rồi.
“Các bạn làm gì mà kéo nhau ra ngoài hết vậy? Tất cả tập trung lại ở nhà ăn cho tôi! Mười phút nữa họp khẩn cấp!”
Hiện tại sự “nghiêm trọng” mà Giao Tiên vừa có ý xem nhẹ đã xuất hiện rồi, ngoài hành lang tiếng bàn tán ồn ào bỗng chốc bốc hơi hoàn toàn, bầu không khí thinh lặng kéo một đám người vừa rời khỏi căn phòng ăn chầm chậm di chuyển về vị trí cũ. Quản lí sản xuất là người bước vào cuối cùng, khi tất cả công nhân đã ngồi thẳng hàng, thẳng lối.
“Chị Thuý của anh An oai ghê ha!” Giao Tiên lại đẩy vai tôi, nó cười nói bằng giọng chòng ghẹo.
“Quản lí mà!” Tôi trả lời bằng một thái độ hiển nhiên.
Nhưng có lẽ Giao Tiên cũng biết, tôi không thích bị ghép đôi với chị Thuý chút nào. Dạo gần đây không hiểu vì sao tin đồn này lại xuất hiện trên trang confession của công ty, cái câu “Chị Thuý của Hoài An” cũng là do một người ác ý nào đó cứ liên tục nhắc, những người không biết tôi là gay lại tin sái cổ vào tin đồn này. Tôi thì lại không rõ tình cảm thật sự của chị ấy đối với mình như thế nào, mỗi lần đối diện với nhau lại cảm thấy ngại hơn trước. Giống như bây giờ, khi chị Thuý từ phía cánh cửa bước vào, đứng ở lối đi giữa hai dãy bàn ăn, soi một đường thẳng thì có thể xem là đối diện với tôi. Dù một người đầu dãy, một người cuối dãy mà vẫn có thể khiến tôi thấy ngại ngùng, tránh đi ánh mắt.
“Dù không phải lỗi của tôi nhưng tôi cũng muốn nói vài lời xin lỗi đến các bạn công nhân đã không có phần ăn sáng hôm nay! Tôi cũng chỉ vừa mới biết được thông tin mà thôi, vì đã để các bạn thiệt thòi nên tôi sẽ cho các bạn thêm hai mươi phút để ăn sáng! Tất cả những bạn nào trong tủ còn đồ ăn nhanh như mì ly hoặc các món tương tự có thể lấy ra góp chung vào để chia sẻ cho những bạn khác! Các bạn vui lòng giữ trật tự, ăn uống nhanh chóng! Đúng bảy giờ năm mươi tập trung trong xưởng!”
“…”
Chị Thuý nói một cách chậm rãi, từng từ đều chứa đựng sức nặng của quyền lực và trách nhiệm. Chị nói xong đám đông bên dưới vẫn giữ im lặng không có phản hồi. Riêng tôi thì đã quá quen thuộc với điều này rồi, nhóc Giao Tiên đứng bên cạnh có vẻ kinh ngạc nhiều hơn, nó đưa mắt nhìn quanh phòng ăn một lượt, sau đó rụt rè ngồi xuống ghế rồi đưa tay ra kéo tôi cùng ngồi xuống theo.
Bạn nữ ban nãy kích động đám đông ra ngoài, giờ giơ tay xin được đưa ra ý kiến nhưng chẳng đợi chị Thuý gật đầu, bạn ấy đã vội đứng lên, bức xúc nói: “Chuyện công ty làm ăn lao dốc đâu phải công nhân tự đồn, cũng là từ miệng của các anh chị trên văn phòng mà ra! Tháng vừa rồi phát lương trễ hơn năm ngày, tháng này có khi làm không công luôn đó! Có mỗi phần ăn sáng bị cắt mất cũng không báo trước, nếu công ty có giải thể thì nói trước để công nhân còn biết đường đi xin việc! Đùng một phát tự nhiên giải thể cũng là làm khó cho công nhân rồi!”
Những lời lẽ mang tính bảo vệ quyền lợi cá nhân vang lên đanh thép, các bạn nữ công nhân đồng tình bàn tán với nhau kéo sự ồn ào quay lại. Một người khác cũng tự ý đứng dậy, mạnh dạn nói thêm: “Chị Thuý cũng hay tin dịch bệnh đang bùng phát mạnh rồi đó, công ty giải thể thì báo sớm để tụi em còn về quê! Sáng nay em đọc thông báo có khả năng khi dịch bùng lên công nhân không được rời khỏi địa bàn, nếu như vậy gần ba trăm người ở đây đều phải thất nghiệp cho tới khi hết dịch! Công ty làm vậy có thấy được không?”
“Đúng đó!”
“Không biết nhân sự hôm nay có đi làm không nữa! Mình lên đó hỏi thẳng luôn đi!”
“Đúng rồi, mấy năm nay cống hiến sức lực cho công ty biết bao nhiêu, nửa chừng mà giải thể thì cũng phải có một lời thông báo sớm chứ!”
Tình hình bắt đầu trở nên căng thẳng hơn, những người giữ chức vụ là tổ trưởng, tổ phó hay thậm chí là những người trước kia thường xuyên được công ty hỗ trợ bây giờ kẻ thì im lặng, kẻ thì hùa nhau bảo vệ quyền lợi cá nhân. Dù đứng từ xa nhưng tôi vẫn thấy rất rõ sự lo lắng hiện ra trên mặt chị Thuý. Hơn ai hết, chị Thuý là mẹ đơn thân, nếu thất nghiệp giữa tâm dịch thì chị ấy cũng là người chịu thiệt thòi giống như tất cả. Nhưng hiện tại chị ấy lại phải lựa lời trấn an các bạn công nhân, dùng một thái độ thông cảm nhất để cho phản hồi.
“Tôi biết các bạn lo lắng, tôi cũng vậy! Nhưng thật sự là tôi cũng chưa nhận được thông báo gì từ phía nhân sự hay cấp trên, nên tạm thời các bạn cứ ăn sáng rồi vào xưởng làm việc bình thường! Tôi sẽ liên hệ với phòng nhân sự, nếu có câu trả lời thoả đáng tôi sẽ phát loa thông báo vào xưởng! Dù thế nào đi nữa các bạn cũng không được phép đình công!”
“Sao lại không được phép?”
“Làm đến hết ngày bị tống cổ đi mới được phép lên tiếng hay sao?”
“Tôi không vô xưởng đâu, chị đi hỏi cấp trên đi khi nào có quyết định rõ ràng tôi mới vô xưởng!”
“Tôi cũng vậy!”
Đành rằng đi làm là đi trao đổi sức lực để có đồng lương, mối quan hệ hợp đồng bắt đầu hay là kết thúc cũng đều phải dựa vào các điều khoản. Dù vậy đi nữa, những năm qua thứ khiến cho tôi thấy rõ ràng nhất là sự tử tế mà những người lãnh đạo KSM-66 đã mang đến cho các bạn công nhân ở đây. Tôi chưa từng nghĩ đến, cũng chẳng thể nào tin chỉ vì ảnh hưởng quyền lợi cá nhân một chút mà những người đã từng được đối xử tốt trước đó, giờ lại quay lưng một cách dứt khoát thế này. Tôi chẳng có chức vụ gì cả, nhưng cảm nhận sự việc bằng chữ “tình người”, trong lòng bất chợt cảm thấy khó chịu, ngẫm nghĩ vài giây đành phải lên tiếng:
“Các bạn không thấy mình quá đáng sao? Ở đây người lâu nhất cũng hơn mười năm, người ngắn nhất cũng là một tháng, chẳng lẽ các bạn không thể suy nghĩ đến những lần công ty đối xử tử tế với các bạn mà chấp nhận chịu khổ cùng với công ty vượt qua khoảng thời gian này à?”
“…”
Vì quá bức xúc nên tôi lớn tiếng, đám đông công nhân kích động đó đồng loạt dồn ánh mắt về phía của tôi. Khoảng không gian im lặng được giữ vài giây, sau đó là những lời khó nghe liên tục nhân lên, tôi thậm chí còn chẳng thể xác định được ai bắt đầu trước, ai đang hùa theo, ai đổ thêm vào.
“Thôi đi ông, nghe mấy lời đạo lý này từ bà Phó riết rồi nhiễm hả? Đi làm chứ đâu có đi xin đâu, ban phát ơn lành hay gì?”
“Đúng rồi! Bỏ sức lao động ra để nhận lại ưu ái chứ có phải ăn xin đâu!”
“Thằng An này cặp bồ với bà Thuý mà, nó nịnh bà Phó giờ lại nói thay cho bà Thuý là đúng rồi!”
“Tụi nó hùa nhau bắt công nhân làm ra sản phẩm, lúc giải thể tụi nó chia nhau hưởng lợi!”
Bị tấn công bất ngờ bằng những lời lẽ khó nghe, bàn tay tôi vô thức siết chặt, nhưng bản thân vẫn không rõ mình tức giận là vì điều gì. Tôi cau mày nhìn chị Thuý và chị ấy cũng tinh ý nhận ra sự khó chịu của tôi. Nhưng vừa lúc chị Thuý định mở miệng nói, chuông điện thoại bất ngờ vang lên, một bạn nữ công nhân chồm tới nhìn vào màn hình, mặt hớn hở quay lại nói với đám đông:
“Bà Ngân nhân sự gọi!”
Bầu không khí im lặng như muốn bóp nghẹt từng người ở đây, ai cũng nóng lòng nhìn chị Thuý, tôi nhận ra sự căng thẳng của chị ấy khi nhìn bàn tay run run đang cầm điện thoại, chị Thuý siết chặt phương tiện liên lạc trong tay, hít một hơi thật sâu rồi mới chạm vào màn hình, cau mày nói vài từ để nhận cuộc gọi.
“Alo! Chị nghe nè Ngân!” Chị Thuý đã cố hết sức để giữ bình tĩnh, giọng chị ấy nhẹ nhàng hơn lúc ban đầu nhưng một tay đút vào túi quần, chân mày thì cau lại.
Những điều mà trưởng phòng nhân sự nói qua điện thoại chỉ có một mình chị ấy nghe được, tất cả mọi người ở đây, có cả tôi đều đang đọc nét mặt để đoán tình hình. Chỉ thấy chị ấy hơi hạ mi mắt, giữ im lặng lắng nghe đầu bên kia dặn dò những điều khó đoán. Trước khi cúp máy, chị Thuý chỉ nghiêm giọng đáp lại một cách ngắn gọn:
“Tôi hiểu rồi, tôi sẽ truyền đạt lại với các bạn công nhân!”
“…”
Đám công nhân chúng tôi lúc này chẳng khác ngư dân là mấy, mong mỏi ánh sáng của ngọn hải đăng giữa đêm tối mịt, khao khát một hướng đi có lợi cho mình và lo sợ những điều bất trắc xảy ra. Chị Thuý là người có câu trả lời, nhưng hình như cảm xúc cũng chẳng khác biệt so với chúng tôi, chị ấy từ từ nâng tầm mắt lên, nhìn về phía trông đợi trước mặt rồi chậm rãi nói…
[1] Thánh Ca Công Giáo: “Vì Ngoài Chúa Ra” – Phùng Minh Mẫn.
Nhận xét của độc giả (Dành cho thành viên đã đăng ký tài khoản)