Chương 2
Cả nhà ăn im phăng phắc chờ nghe chị Thuý thông báo tình hình, tôi đứng đó cũng có thể cảm nhận được một số người ở bên cạnh gần như nín thở, họ len lén đưa mắt nhìn nhau giao tiếp trong sự im lặng. Chị Thuý đắn đo một lúc rồi mới nghiêm giọng nói với chúng tôi:
“Các bạn ăn sáng xong, ai muốn tiếp tục ở lại công ty thì vào xưởng làm việc, ai muốn nghỉ thì có thể viết đơn, tôi sẽ giải quyết trong ngày hôm nay! Chút nữa tôi sẽ có cuộc họp với cấp trên, sau giờ nghỉ trưa các bạn quay lại nhà ăn này, tôi sẽ có thông báo cụ thể về tình hình sắp tới!”
Những ánh mắt hoang mang bắt đầu xuất hiện kèm với mấy tiếng xì xào bàn tán. Tôi không chú ý lắm nhưng cũng nghe các bạn to nhỏ khuyên nhau nên đi hay là nên ở, Giao Tiên thấy tôi trầm ngâm nên cũng ra vẻ quan tâm, nó cất lời thay cho nỗi lòng của tôi.
“Giờ tình hình khó khăn thì nghỉ cũng chưa chắc xin được việc, thôi em thà ở lại gắn bó với công ty ngày nào hay ngày đó!”
Một đứa chỉ mới vào làm việc một hai tháng còn có suy nghĩ như vậy, nhưng điều đáng buồn là khoảnh khắc trợ lí của chị Thuý mang tới một chồng đơn xin nghỉ việc, đám công nhân ở xung quanh tôi ai ai cũng chen vào lấy không thể đếm nổi. Chẳng mấy người như tôi, như Tiên hay như Du chịu bước lên cùng một con thuyền số phận với công ty này.
Quyết định đưa ra nhanh chóng chỉ trong vài phút ngắn ngủi, công nhân vào xưởng làm việc không nhiều, có lẽ những người chọn ở lại cũng giống như tôi, đã lỡ đặt quá nhiều tình cảm vào nơi này rồi. Một số khác chắc là vì đã quá tuổi quy định, rất khó khăn nếu tìm kiếm công việc mới. Số khác nữa có lẽ là còn quá trẻ để nhận ra những thiệt thòi to lớn mà họ buộc phải chấp nhận khi chọn ở lại. Nhưng dù có là ai đi nữa thì tôi nghĩ họ cũng xứng đáng được nghe lời cảm ơn chân thành từ phía công ty. Chỉ là nghĩ chuyện vặt vãnh vậy thôi, tôi nán lại ở chỗ ngã ba rẽ vào phòng thay đồ nam, chờ chị Thuý đi qua thì ngăn chị lại.
“Chị Thuý!”
Tôi lớn tiếng gọi chị ấy, may sao cũng vừa hay chị ấy đang có ý định tiến về phía tôi. Hai người đứng giữa đoạn hành lang vắng tanh, không gian yên tĩnh đến mức thở nhẹ cũng có thể nghe thấy tiếng.
“An tìm chị hả? Có chuyện gì sao?”
Chị Thuý tròn mắt hỏi tôi, tay bận bịu lục trong cuốn sổ có ngăn nhỏ đựng danh thiếp, chị lấy ra cái thẻ từ dùng để mở cửa phòng họp, tôi thấy vậy nên cũng nhanh nhẹn bắt chuyện:
“Chị phải đi họp à? Nếu vậy thì thôi em vào xưởng chuẩn bị hàng cho các bạn đây!”
“À không phải đâu An!”
Thấy tôi khẩn trương định quay người bỏ đi nên chị Thuý vừa cười vừa xua xua tay, chị nhỏ giọng một cách thân mật, thì thầm tiết lộ vài chuyện mà tôi muốn biết, mặc dù tôi còn chưa mở lời hỏi thăm.
“Chị dọn phòng cho Tổng giám đốc mới! Chỗ làm việc của người cũ ổng chê nhỏ, lại còn ngồi chung với nhân viên văn phòng nên ổng không thích! Hồi nãy nhỏ Ngân gọi cho chị nhờ mở cửa phòng họp cho ổng xem! Nếu ổng duyệt thì chiều nay sẽ gọi cho đội trang trí nội thất tới làm gấp luôn! Sợ vào dịch rồi không tìm được người thi công!”
“Tổng giám đốc mới hả chị?”
Tôi tự nhận mình cũng là một người nhiều chuyện, nhưng trách làm sao được khi chuyện “sống còn” của công ty này rất đáng để tâm. Thấy tôi tò mò hỏi, chị Thuý lại nở nụ cười thiện cảm, nói với tôi mấy điều mà có lẽ ngoài tôi ra đến cả cấp dưới thân cận như Du cũng chưa từng được nghe qua:
“Chị nghĩ chắc là được công ty mẹ chuyển sang thay thế như mấy lần trước thôi, không đến mức phá sản như lời đồn đâu! Mà nếu có phá sản thật… chị cũng không để cho An thất nghiệp đâu mà!”
“Dạ…”
Nghe những lời này tôi đột nhiên lại cảm thấy thật khó xử, dường như không còn đủ tự nhiên để nhìn thẳng mắt chị ấy nữa. Tôi đành vội viện ra cho mình một lí do nghe có vẻ chính đáng để mà rời đi:
“À em quên còn một đơn hàng chưa lên kế hoạch! Vậy chị làm gì thì làm đi, em vào xưởng xem tình hình trong đó thế nào chị nha!”
Thấy tôi căng thẳng như vậy nên chị Thuý cũng chỉ cười nhẹ, chị vỗ vào vai tôi một cái rồi hất mặt ra hiệu cho tôi rời đi, lúc tôi vừa bước vào cửa phòng thay đồ, chị Thuý ở bên ngoài lớn giọng nói to:
“Có gặp Du trong xưởng thì nhắn Du ra ngoài này phụ chị một tay nha!”
“Dạ!”
Bởi vì KSM-66 là công ty sản xuất vật tư y tế, ở đây quy định về trang phục nhà xưởng cũng rất phức tạp. Mỗi ngày đi làm tôi sẽ mặc quần áo tự do vào cổng công ty, sau khi trình báo thẻ nhân viên sẽ di chuyển tới cửa chính. Vào lớp cửa đầu tiên tất cả mọi người đều phải cất giày dép mang ngoài khuôn viên công ty vào tủ cá nhân, thay thế bằng một đôi giày trắng do công ty phát. Ngoài ra, còn bắt buộc thực hiện quy trình rửa tay nghiêm ngặt, sau đó sẽ chấm công bằng cách quẹt thẻ nhân viên và giữ lại giấy báo điểm danh thành công. Tiếp tục quy trình vào làm, tất cả mọi người đều phải đến phòng đồng phục A, lấy đồng phục quy định mặc bên trong khuôn viên công ty. Thông thường loại đồ này có số quy định cho từng công nhân, vào cuối ca làm công nhân trả về phòng giặt và tạp vụ sẽ phụ trách việc giặt sấy. Sau khi giặt sấy, nhân viên tạp vụ sẽ xếp gọn gàng và để vào từng ngăn tủ theo số quy định của từng công nhân, nhằm mục đích tránh sự nhầm lẫn. Buổi sáng sau khi điểm danh, mọi người chỉ cần tới đúng tủ của mình để lấy quần áo được chuẩn bị sẵn, mang về phòng thay đồ thay thế cho bộ quần áo tự do.
Trong phòng thay đồ lớn, mỗi người được phát cho một tủ cá nhân loại to, trong tủ này ngoài việc để quần áo tự do sau khi thay ra, công nhân nữ còn có thể dùng để “đồ tế nhị” và một số tư trang cá nhân như túi xách, ba lô. Thay đồng phục xong, công nhân sản xuất bắt buộc phải để điện thoại tại tủ, không được mang theo vào xưởng làm việc.
Xưởng sản xuất là môi trường vô trùng khép kín hoàn toàn so với bên ngoài, mức độ sạch sẽ trong không khí được đo đạt theo tiêu chuẩn Quốc tế. Chúng tôi không được phép đem bất cứ thứ gì vào xưởng nếu chưa được bảo vệ vô khuẩn. Trước khi vào xưởng làm việc, mọi người phải rửa tay thêm một lần nữa, sau đó khoác thêm đồng phục được sử dụng riêng cho phòng sạch, trùm kín mít từ đầu đến chân, đảm bảo không lộ tóc và phải đeo khẩu trang ba lớp. Đó là còn chưa kể, bên phía nữ công nhân còn có quy định không được trang điểm, không được để móng tay quá dài, không được sơn móng tay và đeo trang sức.
Để quen dần với những quy định ở KSM-66, tôi nghĩ mỗi công nhân đều phải học việc trong một thời gian khá dài, vượt ra khỏi con số một tháng mà công ty đã đưa ra. Vậy nên mới nói, khi nhìn thấy số người rời đi quá lớn, bước vào xưởng phải đối diện với những bàn làm việc trống không, trong lòng tôi thật sự đã hẫng đi nhiều. Tôi bần thần bước từng bước chậm chạp dọc theo lối đi, ngang qua vài cái bàn thường dùng để đặt nguyên liệu sản xuất được chuẩn bị sẵn cho công nhân dưới chuyền[1]. Vì thiếu thốn nguyên liệu trầm trọng nên hôm nay cũng giống những hôm trước, công nhân vào xưởng phải làm những đơn hàng tồn, ai không có việc làm thì đi dọn dẹp vệ sinh. Giao Tiên là người mới vào học việc ở kho, thời điểm này có thể nói là thời điểm vàng để tôi truyền đạt kiến thức cho nó, vậy nhưng kể từ lúc bước vào trong xưởng tôi chỉ có thể ngồi đực người nhìn đăm đăm vào màn hình máy tính. Ai không biết còn tưởng là tôi đang tập trung lập kế hoạch sản xuất, nhưng thật ra tôi đã lén mở cửa sổ trình duyệt ẩn danh, đăng nhập vào Facebook cá nhân với mục đích xem tin tức.
Đây hình như là dịp hiếm hoi mà tôi dùng máy tính của công ty để truy cập mạng xã hội, thật ra tôi cũng không phải người thường xuyên sử dụng Facebook, lâu lâu vào lại thấy thông báo đỏ rực là chuyện bình thường. Chỉ có điều hôm nay thao tác rê chuột của tôi có phần nhàm chán dẫn đến chậm chạp, tôi bấm vào biểu tượng thông báo rồi đơ người thêm lần nữa.
[Hoàng Minh Phương gửi yêu cầu kết bạn.]
“…”
Cái tên này, nói chính xác là tôi đã dùng sự tập trung vào công việc suốt hơn năm năm vừa qua để mà quên đi. Vào lúc này khi nó rõ ràng hiện ra trước mắt, tim tôi có cảm giác khựng lại một nhịp. Tôi nhấn vào dòng thông báo đó, tìm vào trang cá nhân của người mà tôi đã từng chờ đợi suốt bao năm qua, không thể quên được cái cảm giác hàng trăm tin nhắn gửi đi những chẳng có cái tin nào được người ta xem qua cả.
Đã trải qua mấy năm rồi, tấm ảnh đại diện của cậu ấy được thay đổi nhiều lần, con người thì vẫn quen thuộc, chỉ có cái cảm giác xa lạ trong lòng của tôi dâng lên vô kể. Tôi cứ nhìn mãi tấm ảnh mới nhất mà cậu ấy vừa đổi cách đây một ngày, đoán không nhầm thì khung cảnh ở phía sau là Việt Nam nhỉ? Ngày cậu ấy du học, tôi bị loại ra khỏi danh sách bạn bè từ lúc nào cũng chẳng hay, ngày cậu ấy trở về, cậu ấy nghĩ chỉ cần gửi một lời mời kết bạn trên mạng thì có thể nối lại sợi dây đã cắt đứt hay sao?
“An làm gì vậy?”
Sau lưng tôi thình lình vang lên giọng hỏi quen thuộc, người hỏi tôi là Du. Quay lại nhìn người nọ tôi mới nhớ ra mình đã quên mất lời nhờ vả của chị Thuý.
“À…”
Tôi lúng túng đứng dậy, tay vội vàng tắt đi cửa sổ trình duyệt vừa rồi, cúi mặt thừa nhận sự mất tập trung của mình trong giờ làm việc.
“Xin lỗi Du! An làm việc riêng trong giờ…”
“Xin lỗi có giải quyết được gì không? Tình hình công ty đã khó khăn rồi, nếu quyết định ở lại thì chăm chỉ làm việc đi! Lợi dụng không có cấp trên ở đây thì lên Facebook… Định tìm việc mới đúng không? Hay để Du duyệt cho An nghỉ luôn! Nghỉ ở nhà sẵn tiện tha hồ lướt web!”
Chẳng cần đợi tôi nói hết câu Du đã gắt giọng chen ngang vào, chuyện này tôi sai rành rành ra đó nên đương nhiên sẽ không nhiều lời giải thích. Tôi giữ im lặng vì cái sai của bản thân, vì muốn tự kiểm điểm và cũng vì nể cả quản lí trực tiếp của mình.
“Reng!”
Cũng may là tôi ngồi đơ người hết nửa buổi, lúc bị Tổ trưởng phát hiện thì đã đến giờ nghỉ trưa. Tiếng chuông thông báo vang lên đúng lúc, Du là người nghiêm khắc nhưng cũng không phải quá mức cực đoan, thấy chuông reo thì nói lạc sang chuyện khác:
“Chút nữa vào làm xem lại giúp Du mấy cái chỉ thị sản phẩm trung gian bị tồn nha! Lo tập trung làm việc đi!”
“Ok Du!”
Vì bị bắt quả tang mất tập trung trong giờ làm việc nên tôi không dám tắt máy đi trước, tôi đợi các bạn công nhân trong xưởng ra ngoài gần hết, thấy Giao Tiên ở dưới cuối xưởng vẫn còn loay hoay gom mấy cái rổ đựng hàng, Du cũng ghé qua chuyền 14 gọi bạn gái cùng đi ăn, tôi chầm chậm để chế độ ngủ cho máy tính cá nhân của mình rồi mới lớn giọng gọi nhóc đàn em:
“Đi ăn Tiên ơi!”
“Dạ!”
Có vẻ như Tiên cũng đang chần chừ chờ tôi cùng đi, nghe tiếng gọi là nó vội vàng chạy tới, vừa đi vừa hớn hở thúc vào vai tôi:
“Anh! Em nghe chị Mai Vy bên phòng thiết kế đồn là đợt này toàn bộ cổ phần cũng như hệ thống dây chuyền sản xuất của công ty đều chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp trong nước, công nhân sợ sắp tới sẽ thất nghiệp dài dài nên rủ nhau nghỉ nhiều lắm!”
Nghe Tiên nói vậy tôi cũng để tâm suy nghĩ một chút, hai đứa ra khỏi xưởng làm việc, đứng cạnh nhau ở chỗ thay bộ đồ sạch, Giao Tiên lấy xuống cái móc treo áo có dán hình con mèo đen, trong khi tôi con đang phải căng mắt ra tìm mã nhân viên của mình, tôi nói với nó:
“Ở Việt Nam mình cũng có nhiều doanh nghiệp lớn, chế độ ưu đãi cho sản xuất tốt lắm! Các bạn công nhân lại thường hay nghĩ doanh nghiệp nước ngoài mạnh hơn… Họ nghe thông tin này rồi lo lắng cũng không có gì khó hiểu!”
“Dạ! Mà anh, em nghe chị Vy nói Trưởng phòng của chị ấy đi họp về, khen ông Tổng giám đốc mới đẹp trai lắm đó! Không phải mấy ông già già như trước đây đâu!”
“Ui trời! Bữa nay mày cũng quan tâm đến chủ đề trai đẹp nữa hả nhóc con!”
Tranh thủ ra khỏi phòng thay đồ, tôi kéo Tiên ghé sang chỗ tủ lạnh chung lấy hai chai nước bí đao mà tôi mang theo, định bụng chia cho đứa em học việc của mình một chai. Nhưng vừa mới mở cửa tủ, đập vào mắt của tôi là một cái ly uống nước được gia công chẳng khác gì hình cái lu, tôi sững người đến mức Giao Tiên cũng nhận ra sự bất thường, nó đập vai tôi một cái, nghiêng đầu hỏi:
“Bị sao vậy ba, điện giật hả?”
Có lẽ tôi phải cảm ơn cú đập vừa rồi, ít nhất nó có thể kéo tôi ra khỏi một đống ảo tưởng, năm năm qua ảo tưởng gần như đã giết chết một trái tim đầy nhiệt huyết yêu đương. Có những lúc tôi tự cảm thấy mình chẳng khác gì con nghiện, tôi sống trong một đống ảo giác về chuyện quá khứ, cứ mỗi lần nhìn thấy những thứ có liên quan tới kỉ niệm là da thịt lại tê tái một cảm giác rất khó tả.
“Tao thấy cái lu trong tủ lạnh nên giật mình thôi!”
Giao Tiên nhìn tôi, được vài giây thì lại dời mắt nhìn cái ly nước mà tôi để ý.
“Hình cái lu thôi mà, anh mà thấy cái ly của em chắc anh xỉu luôn!”
“Cái ly của mày hình gì mà ghê dữ vậy?”
Tôi hỏi chơi thôi, lòng không thấy tò mò về những thứ vô bổ đó cho lắm, nhưng Giao Tiên nhiệt tình ôm cánh tay tôi, nó kéo tôi quay mặt về phía bàn ăn gần chỗ tủ lạnh, hất mặt ra hiệu cho tôi nhìn thứ trên bàn:
“Kìa!”
“Cái đó…”
Lần này đương nhiên là tôi không đơ người nữa, tôi nhìn cái ly sứ hình thùng rác trên bàn mà bỗng bật cười.
“Trời! Mày cũng mặn dữ ha, tao thấy cái đứa uống nước trong lu đã tưng tửng rồi, mày uống nước trong thùng rác thì nó phải bái mày làm sư phụ mới đúng!”
Giao Tiên che miệng cười, nó vẫn ôm ghì tay tôi kéo đi cho kịp lấy phần cơm nóng. Đi vào lối giữa của mấy bàn ăn, một bạn nữ công nhân sản xuất bất ngờ gọi tôi:
“Anh An! Bữa nay đồ ăn xịn lắm nha!”
Lúc quay lại nhìn, tôi ngơ ngác trước mấy phần ăn mà các chị em công nhân đang bày ra bàn, đây rõ ràng không phải là khay inbox mà phía nhà ăn giao tới giống như mọi hôm. Phần ăn hôm nay đựng trong hộp nhựa chỉ dùng một lần, bên trong hộp chia làm bốn ngăn, ngăn lớn đựng mì Ý sốt bò bằm, ngăn nhỏ hơn là miếng bít tết mọng nước rưới xốt tiêu đen, canh ăn kèm được thay thế bằng salad cá ngừ, món tráng miệng cũng được đổi thành một loại bánh Tây. Thoáng nhìn qua tất cả chỗ đó, không chỉ tôi mà cả Giao Tiên cũng phải há mồm kinh ngạc, nó lắp ba lắp bắp:
“Trời… Có… Có khi nào nhà ăn cho tụi mình ăn bữa cuối rồi đuổi việc hết không anh?”
“Không có đâu, đừng nghĩ bậy…”
Những lời chị Thuý nói với tôi lúc đầu giờ làm vẫn còn nguyên đó, tôi nghĩ khả năng cao là công ty đã được cứu nên cũng thấy nhẹ lòng hơn một phần. Dù sao đi nữa, chuyện những phần ăn mới lạ này cũng là tín hiệu đáng mừng, tôi đưa tay phải ra vỗ nhẹ vào bàn tay Tiên đang bóp chặt bắp tay trái của tôi, cảm nhận rõ ràng sự lo lắng của nó khi thấy những điều lạ lùng trước mắt. Tôi nhỏ giọng nói để nó yên tâm:
“Đi! Công ty cho ăn ngon thì phải tranh thủ đi lấy phần chứ, biết đâu chỉ được một ngày thôi, ngày mai quay lại ăn như cũ đó!”
Hai anh em nói thêm vài câu xã giao với mấy chị em công nhân rồi tranh thủ đi lấy cơm. Vào trong khu vực phân chia thức ăn, sự bất ngờ ban đầu nhân lên làm đôi, số phần ăn hôm nay đúng là không nhiều nhưng vẫn được chia làm hai loại là chay và mặn. Tôi và Tiên ra khỏi nhà xưởng có thể được xem là những người cuối cùng rồi, nhưng bàn để phần ăn vẫn còn dư lại khá nhiều, hai đứa đi cùng nhau ai cũng cảm thấy có chút tò mò, chỉ là không ai đủ khả năng để giải đáp những điều kì lạ đó mà thôi.
Cũng là tại nhà ăn này, không khí căng thẳng buổi sáng đã không còn nữa, thỉnh thoảng tôi lại ngước lên nhìn, thấy mấy bạn công nhân thích thú với những phần ăn mà lòng len lỏi một chút mừng thầm. Tôi biết họ hoàn toàn có thể dùng lương để mua những món ăn đó, nhưng suất ăn công nghiệp bất ngờ thay thế bằng những món ăn xa xỉ thế này là điều mà họ hiếm khi được thấy trong suốt những năm đi làm công nhân của mình. Cạnh bên bàn mà tôi đang ngồi, một bạn nữ cầm điện thoại lên, hớn hở nói với người bạn ngồi ăn chung:
“Tao phải đăng hình lên Facebook khoe hôm nay công ty cho ăn sang mới được!”
“Mày trễ quá đó! Vừa nhận cơm xuống là tao đã đăng liền rồi!”
Người kia cũng không chịu thua, giơ điện thoại ra khoe thành phẩm của mình là mấy tấm ảnh chụp phần ăn được trang trí vô cùng bắt mắt.
“Ê, bà Lành nhắn tin cho tao! Để tao nói chuyện với bả coi…”
Giao Tiên ngồi đối diện với tôi, nó nghe đến tên Lành thì vội ngước lên, gõ cái nĩa lên khay của tôi, thì thầm giống như sợ người khác nghe thấy chuyện mình sắp nói:
“Anh, bà Lành hồi sáng cũng quậy dữ lắm, em nghe nói lúc tụi mình vô xưởng mấy người viết đơn xin nghỉ việc trong ngày hôm nay đều bị mời lên phòng Nhân sự đó anh!”
“Mày vô xưởng chung với tao mà sao ‘nghe nói’ nhiều quá vậy?”
Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ sau một tháng làm việc cùng nhau tôi cũng đã rành cái tính hóng chuyện của Tiên quá rồi. Kể từ khi có nó, thông tin trong công ty dù nhỏ hay lớn tôi cũng là người biết trước, đánh giá một cách công tâm thì sự nhiều chuyện của nó không hề vô ích. Tôi dùng dao cắt phần bít tết của mình làm đôi, chia cho Tiên một nửa, hạ giọng cưng chiều:
“Cho mày nè! Ăn lấy sức mà đi hóng chuyện!”
“Hì hì! Sư phụ tốt với em quá… Sư phụ uống nước nè!”
Tiên đem chai bí đao đổ vô cái ly được gia công giống hệt thùng rác của nó, chầm chậm đẩy sang cho tôi nhưng lại gây chú ý với mấy đứa em vào cùng với nó trong đợt tuyển dụng vừa rồi. Chẳng mấy chốc bàn ăn của tôi và Tiên xúm xít một nhóm vừa lạ vừa quen, đa phần đều hỏi chỗ để mua cái ly độc lạ trên bàn. Sinh hoạt giờ nghỉ trưa của công nhân bọn tôi hầu hết đều đơn giản giống như nhau, có người sau khi ăn cơm sẽ về phòng thay đồ lớn trải chiếu nằm ngủ, nhưng cũng sẽ có người giống như nhóm bạn của tôi, mang theo trái cây để ăn tráng miệng trước khi vào làm.
“Anh An, nãy em nghe chị kia nói nhóm người nghỉ việc được mời lên phòng Nhân sự nói chuyện, một số người được cho về suy nghĩ thêm ba ngày, còn một số thì được duyệt chấm dứt hợp đồng trong ngày luôn đó anh!”
“Em còn nghe nói là đích thân Tổng giám đốc mới nói chuyện với các bạn công nhân luôn đó anh!”
“Gì ghê vậy hả?”
Mấy bạn công nhân nữ ở đây cũng khá mến tôi, giờ nghỉ trưa các bạn hay kể cho tôi nghe chuyện sản xuất, hôm nay đề tài “hot” lại là chuyện nghỉ việc của nhóm đồng nghiệp nên bàn ăn của tôi rôm rả cũng đều xoay quanh chuyện này. Theo phép lịch sự thì tôi có hỏi thêm vài ba câu, tuy không nhiều nhưng đủ để nghe vài chuyện thú vị.
“Em còn nghe nói ông Tổng mới này trẻ lắm, đẹp trai nữa! Họp xong mấy người đồn chuyện chị Thuý với anh An có tình cảm phải ở lại cho ổng hỏi thăm!”
“Hả? Cái này sao tao thấy… nó hơi kì kì à nha!”
Giao Tiên ngập ngừng hỏi rồi giơ tay ra đập vào vai tôi một cái, thái độ bức xúc:
“Tổng giám đốc gì vô duyên dữ vậy? Tin đồn dưới xưởng liên quan gì tới ổng đâu?”
“Không phải đâu, em nghe chị Lành nói là ổng không muốn phát sinh thiên vị giữa cấp trên với cấp dưới trong công ty vì có tình cảm riêng đó chứ!”
Ban đầu tôi cũng giật mình khi nghe chuyện riêng của mình được Tổng giám đốc hỏi tới, nhưng những lời bạn công nhân nọ giải thích cũng rất hợp lí, chính vì vậy mà tôi không để tâm đến lý do sếp mới quan tâm tới chuyện tình cảm cá nhân này nữa. Tôi chỉ hỏi xem chị Thuý đã nói gì khi bị kéo vào nghi ngờ không đáng mà thôi:
“Rồi có ai biết chị Thuý nói gì với cấp trên không?”
Lúc tôi hỏi câu đó, trong lòng cũng cảm thấy áy vì những tin đồn xuất hiện khiến cho chị ấy khó xử, nhưng có lẽ hơn ai hết thì tôi cũng muốn một lần được nghe chị ấy trả lời thẳng thắn về vấn đề này. Tôi không muốn cảm giác ngại ngùng xuất hiện mỗi lần chúng tôi nói chuyện với nhau, nhưng cũng không muốn đem cảm xúc riêng tư thừa nhận với cả công ty. Chỉ là vào lúc này, tôi chưa sẵn sàng nói chuyện tình cảm của cá nhân mình mà thôi, nhiều người lại không nghĩ vậy, họ thấy tôi tò mò câu trả lời của chị Thuý thì lại càng suy diễn hơn:
“Em không được kể khúc chị Thuý trả lời nên không biết nữa, mà sao vậy? Hay là anh cũng thích người ta?”
“Mấy cái confession trên trang của công ty là anh tự gửi đúng không?”
“Ê nè, em thấy chị Thuý cũng thích anh đó, trai chưa vợ với mẹ đơn thân bây giờ dễ thành đôi lắm! Anh thấy sao? Có muốn đổi đời không?”
Những câu tấn công này nghe thì có vẻ như rất dễ bực, nhưng bản tính tôi vốn cũng dễ chịu, tôi nể cả chị em công nhân ở đây đều đối xử với mình rất tốt nên chỉ mỉm cười lắc đầu mà thôi, đoạn tôi lại cao hứng nói:
“Nè mấy bà đừng có ghẹo tôi nha! Tôi chỉ sợ chị Thuý khó xử vì bị hiểu lầm thôi, nếu tôi thật sự muốn đổi đời thì đã không ngồi đây làm công nhân rồi!”
Giao Tiên nghe tôi mạnh miệng nên cũng phấn khởi chen vào, nó là người duy nhất biết rõ tình cảm trong tôi, cũng mạnh miệng có ý đánh khẽ:
“Đúng rồi, đẹp trai cỡ anh An đây thì phải tìm mấy người là Tổng giám đốc bao nuôi đồ chứ!”
“Nhưng Tổng giám đốc công ty mình là đàn ông, vậy là anh An không có cơ hội rồi! Thôi thử nghĩ về chị Thuý đi…”
“Sao lại không có cơ hội? Biết đâu được Tổng giám đốc cũng thích đàn ông thì sao?”
Giao Tiên lẹ miệng chen vào mà không chịu suy nghĩ trước, kết quả là…
“Ăn nói bậy bạ vừa thôi nha Tiên!”
Cuộc trò chuyện rôm rả của bọn tôi bị giọng của Du cắt ngang bằng một thái độ căng thẳng, nếu tôi đoán không nhầm thì có lẽ Du vừa rời khỏi phòng thay đồ lớn rồi đi thẳng vào nhà ăn, ngày nào người nọ cũng pha một ly cà phê trước khi vào làm. Hôm nay xem như Giao Tiên xui xẻo vì để những lời dễ gây tranh cãi lọt vào tai Du, nó bụm miệng cúi xuống cố tình lảng tránh nhưng Du lại không có ý bỏ qua.
“Em đứng lên!”
Trước giờ Tổ trưởng của kho có tiếng nghiêm khắc, chỉ cần lớn giọng một câu thì đám công nhân tụ tập xung quanh bàn tôi đều đứng lên hết, khoảng không gian đông đúc chật hẹp trả lại chỉ còn có hai anh em. Trong cùng một ngày, trước là tôi sau là đứa em học việc của tôi đều bị Thuỵ Du “sờ gáy”.
[“Các bạn công nhân vui lòng giữ yên lặng lắng nghe thông báo từ cấp trên! Sau giờ nghỉ trưa hôm nay các bạn không cần quay lại xưởng làm việc, riêng những công đoạn cần phải tắt máy đề nghị quản lý vào xưởng hỗ trợ sau đó tất cả các bạn cùng tập trung lại ở nhà ăn, chúng ta cùng nhận thông báo cuối cùng! Xin chân thành cảm ơn các bạn!”]
Trùng hợp thay, cả tôi và Tiên đều may mắn thoát khỏi “nanh vuốt” của Tổ trưởng nhờ thông báo từ cái loa kia. Nhìn Du cau mày quay đi, Tiên từ từ xích lại gần tôi, nó vẫn đứng thẳng người nhưng giọng nói có phần giễu cợt:
“Hên ghê! Chắc phải mua cái ly hình cái loa mới được…”
Vừa hay, tôi có cảm giác người nào đó chầm chậm lướt qua sau lưng, luồng không khí khuấy động mang theo hương thơm dìu dịu. Tôi nhận ra đó là nốt hương trầm ấm của gỗ hoà vào một chút tươi mát của cam và chanh. Mùi hương phảng phất nhè nhẹ như lời nói thầm của một cố nhân, khiến cho tôi phải vô thức quay lại nhìn, ánh mắt chạm vào bóng lưng của ai đó rất đỗi thân quen.
Vậy mà cũng rất xa lạ…
[1] Chuyền được xem là khu vực sản xuất của mỗi nhóm công nhân. Tuỳ theo mặt hàng, chức năng của mặt hàng mà Quản lí sản xuất phân chia thành các chuyền riêng.
Nhận xét của độc giả (Dành cho thành viên đã đăng ký tài khoản)